Kết hợp Y học cổ truyền Lai Châu và Y học hiện đại điều trị bệnh đạt trên 30%
Năm 2010, xác định được vai trò của Y học cổ truyền trong đời sống hiện đại nên Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2166/QĐ-BYT về “Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020”. Qua 5 năm triển khai Kế hoạch trên địa bàn tỉnh đã có nhiều kết quả tích cực.
Theo các chuyên gia về y tế: Trong thời đại y học phát triển vượt bậc như hiện nay, Y học cổ truyền mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh, nếu y học hiện đại trang bị máy móc giúp bác sĩ chuẩn đoán đúng bệnh và điều trị những trường hợp cấp tốc thì Y học cổ truyền giúp người bệnh phục hồi những di chứng để trở lại sinh hoạt đời sống bình thường. Một ví dụ minh họa rất cụ thể là một người bị tai biến mạch máu não mắc di chứng liệt nửa người có thể sẽ không thể bình phục nếu chỉ sử dụng các phương pháp điều trị Tây y, phương pháp Y học cổ truyền như châm cứu, xoa bóp sẽ giúp người bệnh phục hồi các chức năng…
Xác định việc ban hành “Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020” đã đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc Lai Châu; tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân trong việc bảo tồn, phát triển, sử dụng có hiệu quả các cây, con có giá trị phục vụ việc chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Tỉnh Lai Châu đã ban hành các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng cán bộ cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, phát huy tiềm năng sáng tạo. Ngày 22/02/2012, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu ban hành Quyết định số 188/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch phát triển Y học cổ truyền Lai Châu đến năm 2020. Năm 2013, Hội Đông y tỉnh Lai Châu được thành lập có nhiệm vụ tập trung những người hành nghề Đông Y trong toàn tỉnh, thực hiện việc vận động, tập hợp, giáo dục và đoàn kết những người làm việc Y học cổ truyền, động viên mọi người ra sức đóng góp tài năng và kinh nghiệm vào công tác thừa kế ứng dụng phát triển Đông Y để phục vụ cho công tác chăm sóc bảo vệ sức khoẻ Nhân dân.
Nhờ vậy qua 5 năm triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả. Hệ thống khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền tiếp tục được củng cố, kiện toàn từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn.
Năm 2009, bệnh viện Y học cổ truyền Lai Châu được thành lập với 8 Khoa, Phòng thực hiện khám bệnh, chữa bệnh đa khoa và phục hồi chức năng bằng Y học cổ truyền, kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại; nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát triển Y học cổ truyền; đào tạo, chỉ đạo tuyến về chuyên môn kỹ thuật và là cơ sở thực hành về Y học cổ truyền của Trường Trung cấp Y tế Lai Châu. Bệnh viện đa khoa tỉnh thành lập Khoa Đông y – Phục hồi chức năng. Các Bệnh viện đa khoa tuyến huyện, Trung tâm y tế các huyện, thị có bộ phận hoặc tổ khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền lồng ghép trong Khoa Nội hoặc khối Nội-nhi-lây. Một số trạm y tế xã đã được biên chế y sỹ Y học cổ truyền. 80% trạm y tế xã có vườn cây thuốc nam mẫu với nhóm cây thuốc nam theo quy định của Bộ Y tế. Bước đầu đã hình thành một số vùng có ưu thế về dược liệu và nuôi trồng dược liệu, đặc biệt là huyện Sìn Hồ, Tam Đường với một số loại cây như đỗ trọng, cây ác ti xô, cây sơn tra, đan sâm….
Bệnh viện Y học cổ truyền Lai Châu trong năm 2012 đã triển khai được nhiều kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh như: điện châm và thủy châm được 7.178 lần; xoa bóp bấm huyệt được 1.624 lần; sóng xung kích điều trị 577 lần; điện vi dòng giảm đau 752 lần; điện từ trường cao áp 207 lần; kéo giãn cột sống 283 lần; tập với xe đạp, hệ thống ròng rọc được 582 lần; cấy chỉ 233 lần… Năm 2013, bệnh viện tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh; khám bệnh cho 6.000 lượt người; thực hiện tốt các kỹ thuật đã triển khai tại bệnh viện và phát triển thêm các kỹ thuật mới… Theo BS. Nguyễn Công Huấn – Giám đốc Sở Y tế Lai Châu, hệ thống Y học cổ truyền Lai Châu cần xây dựng hệ thống sản xuất thuốc Đông y tại bệnh viện…
Hệ thống khám chữa bệnh và điều trị bằng Y học cổ truyền được quan tâm củng cố, kiện toàn và phát triển, mở rộng đến các vùng sâu, vùng xa. Trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền được bổ sung, nâng cấp, mua sắm mới các trang thiết bị hiện đại. Máy chụp X quang, siêu âm, máy điều trị bằng chiếu tia Laser, điện từ trường cao áp, đèn hồng ngoại, máy Siêu âm điều trị, kéo giãn cột sống… để kết hợp một cách hài hòa giữa Y học cổ truyền và Y học hiện đại trong việc khám chữa bệnh cho Nhân dân, góp phần làm giảm chi phí cho người bệnh, hạn chế tình trạng bệnh nhân chuyển tuyến, vượt tuyến.
Công tác khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền ngày càng được hoàn thiện và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh qua từng năm, ngoài phương pháp chữa bệnh kết hợp y học hiện đại với Y học cổ truyền là sử dụng thuốc đông dược. Phát huy hiệu quả của phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc như: Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, dưỡng sinh, xông hơi, thủy trị liệu, Laser nội mạch, Laser chiếu ngoài, điện từ trường cao áp, đèn hồng ngoại, siêu âm điều trị, kéo giãn cột sống… Sử dụng một số bài thuốc cổ phương gia giảm điều trị các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh về xương khớp, tiết niệu… Các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện thị đã kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại trong khám, điều trị bệnh cho bệnh nhân với tỷ lệ đạt trên 30%.
Trong điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao ảnh hưởng đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực Y học cổ truyền còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của Nhân dân; sự chuyển giao, kế thừa các bài thuốc gia truyền trong Nhân dân cho các thế hệ sau chưa được quan tâm đúng mức, nhiều bài thuốc chưa được kiểm tra, kiểm nghiệm đúng theo quy trình, do đó một số thầy lang thường lợi dụng sự kém hiểu biết của người dân, áp dụng những bài thuốc chữa bệnh hiệu quả không rõ ràng, thậm chí gây ảnh hưởng lớn đến tình trạng sức khoẻ của Nhân dân…
Trước những khó khăn đó, giai đoạn từ nay đến 2020, Ngành Y tế Lai Châu xác định: Phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với việc phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới; tiếp tục kiện toàn hệ thống khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và quản lý Nhà nước về đông y ở các tuyến; mua sắm trang thiết bị, xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, Hội viên Hội Đông y đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; đẩy mạnh xã hội hóa, các hoạt động y tế, bảo vệ sức khỏe Nhân dân gắn với tăng cường đầu tư của Nhà nước; đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế trên lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh, nuôi trồng, chế biến lược liệu và trao đổi chuyên gia về đông y; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thành lập các cơ sở khám chữa bệnh, sản xuất, kinh doanh thuốc đông y, phát triển vùng trồng cây dược liệu…
Cùng với đó, một đòi hỏi quan trọng là tỉnh ta phải có những chính sách đặc thù trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhằm khuyến khích các lương y cống hiến và chuyển giao các bài thuốc hay, cây thuốc quý, những kinh nghiệm phòng, chữa bệnh bằng đông y, khuyến khích truyền nghề cho các thế hệ sau; triển khai đồng bộ việc sưu tầm các cây, con, bài thuốc quý… Có như vậy mới góp phần nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Nhân dân.
Phòng khám đông y Vũ Gia Đường
Địa chỉ: Số 5A- ngõ 122- Kim Giang- Đại Kim- Hoàng Mai- Hà Nội
BS Linh: 0906.799.222 hoặc 0936.244.940
Chi tiết xin liên hệ để có những hiểu biết tốt nhất về cây thuốc chữa bệnh: