Nghiên cứu và triển khai tiến bộ kỹ thuật bền vững vào nông nghiệp ở Lai Châu

Nghiên cứu và triển khai tiến bộ kỹ thuật bền vững vào nông nghiệp ở Lai Châu:

Phát triển nông nghiệp ở Lai Châu

1.Đặc điểm tình hình

Lai Châu là tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý từ 21o51’ đến 22o49’ vĩ độ Bắc và 102o19’ đến 103o59’ kinh độ Đông; phía Bắc và Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam – Trung Quốc (có 265,095 km đường biên giới), phía Tây giáp tỉnh Điện Biên, phía Đông và phía Đông Nam tiếp giáp với hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái, phía Nam tiếp giáp với tỉnh Sơn La.

Lai Châu có diện tích tự nhiên là 906.878 ha, bình quân 2,2 ha/người, gấp 6 lần bình quân cả nước (bình quân cả nước 0,366 ha/người), tuy nhiên đất sản xuất nông nghiệp ở Lai Châu gần 90.000 ha, chiếm tỷ lệ 9,83%, bình quân diện tích đất  canh tác trên đầu người là 0,22 ha. Diện tích lúa có 33.251,2 ha, trong đó đất lúa nước 02 vụ mới có 7.833,9 ha, còn lại là ruộng 1 vụ và khoảng 4.000 ha lúa nương, tuy nhiên việc tăng diện tích đất hai vụ sẽ khó khăn.

Đất toàn tỉnh được chia thành 6 nhóm với 21 loại đất, trong đó nhóm đất đỏ vàng có diện tích lớn nhất 498.947 ha (chiếm tỷ lệ 55,03%), nhóm đất phù sa có diện tích 5.653 ha (0,62%), nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi diện tích 283.431 ha (31,25%), nhóm đất mùn trên núi cao 57.906 ha (6,38%), nhóm đất đen 3.096 ha (0,34%), nhóm đất dốc tụ 35.941 ha (3,96%).

Địa hình hiểm trở và bị chia cắt mạnh, trên 40% diện tích đất có độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, gần 90% diện tích có độ dốc >250. Có cấu trúc chủ yếu là núi đất, xen kẽ các dãy núi đá vôi có dạng địa chất castơ (tạo nên các hang động và sông suối ngầm), trong đó địa hình núi cao và núi cao trung bình chiếm phần lớn diện tích tự nhiên của tỉnh, xen kẽ có một số thung lũng có diện tích khá rộng như Than Uyên, Bình Lư – Tam Đường, Noong Hẻo – Sìn Hồ, Mường So – Phong Thổ ..

Về khí hậu, Lai Châu có khí hậu điển hình của vùng nhiệt đới gió mùa núi cao Tây Bắc, ngày nóng đêm lạnh ít chịu ảnh hưởng của bão, gió mùa Đông Bắc và gió mùa Tây Nam. Khí hậu trong năm chia làm hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10 có nhiệt độ và độ ẩm cao; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, khí hậu lạnh, độ ẩm và lượng mưa thấp (tháng 4 và tháng 10 là thời gian chuyển giao giữa 2 mùa). Với xu thế biến đổi ngày càng bất lợi của khí hậu toàn cầu, nông nghiệp ở Lai Châu phải đối mặt ngày càng nhiều với hạn hán, lũ  lụt, đất sạt lở, băng giá, … Thực tế cho thấy, những năm gần đây mùa đông ở Lai Châu có nhiệt độ xuống thấp bất thường và kéo dài, mùa khô cũng kéo dài và ít mưa hơn. Các đợt rét đậm, rét hại kéo dài ở các năm 2007 – 2008, năm 2010 – 2011 và năm 2013 -2014 đã có nhiều diện tích cây trồng bị ảnh hưởng nặng nề, và có hàng nghìn trâu bò chết rét.

Tỉnh có 08 đơn vị hành chính gồm: thành phố Lai Châu, các huyện: Mường Tè, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Tam Đường, Phong Thổ, Tân Uyên và Than Uyên với 108 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm: 96 xã, 05 phường và 07 thị trấn. Dân số toàn tỉnh có 403.200 người, có 20 dân tộc cùng sinh sống, mật độ dân số bình quân là 44,46 người/km2. Là tỉnh nông nghiệp với quy mô nền kinh tế nhỏ, sản xuất mang nặng tính tự cung tự cấp, tập quán sản xuất lạc hậu, có 6/8 huyện, thành phố thuộc huyện nghèo theo nghị quyết 30a của Chính phủ; hơn 80% dân số sống ở nông thôn nông nghiệp, trình độ dân trí ở mức thấp, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2013 đạt 8,5 triệu đồng/người/năm (bình quân cả tỉnh là 12 triệu/năm), tỷ lệ hộ nghèo cao 27,22%, cận nghèo 8,71%, điều kiện thoát nghèo không bền vững, nguy cơ tái nghèo cao.

Về cơ sở hạ tầng, mặc dù đã được quan tâm đầu tư, và trong những năm gần đây đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên Lai Châu vẫn là nơi có điều kiện giao thông, đi lại khó khăn. Điều này làm cho ngành hàng và liên kết với thị trường chưa phát triển, gây khó khăn cho tiêu thụ hàng hoá nông sản vốn dĩ vẫn đang được sản xuất phân tán và manh mún tại Lai Châu. Cũng do cơ sở hạ tầng còn hạn chế, việc tiếp cận, phổ biến áp dụng tiến bộ KHCN cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những kỹ thuật nông nghiệp bền vững.

Tập quán chăn thả gia súc tự do gây ảnh hưởng không nhỏ đến canh tác cây trồng, và ngược lại phát triển cây thức ăn gia súc vẫn đứng trước nhiều  thách thức do quỹ đất và các nguồn lực khác được ưu tiên dành cho cây lương thực, thực phẩm.

Với địa hình phức tạp, điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội có nhiều khó khăn, Lai Châu đang ngày càng gặp nhiều thách thức để tiếp tục tăng sản lượng lương thực, thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của dân số không ngừng tăng. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu thế giới, sản xuất lương thực Lai Châu ngày càng bị ảnh hưởng bởi thiên tai (bão, lũ lụt, sạt lở đất, thay đổi bất thường về nhiệt độ, sương muối …). Điều này dẫn tới nhu cầu cấp bách cần phát triển thâm canh nông nghiệp bền vững, kết hợp hài hoà giữa sản xuất cây lương thực với chăn nuôi và lâm nghiệp, nhằm đảm bảo hài hoà các mục tiêu an ninh lương thực, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Bài viết này tổng quan tóm tắt những thành tựu đã đạt được trong 10 năm qua và đề xuất phương hướng nghiên cứu, phát triển hướng tới một nền nông nghiệp ở Lai Châu bền vững.

Nông nghiệp ở Lai Châu

1.    Một số kết quả đạt được trong nghiên cứu và triển khai tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trong những năm qua

Mặc dù có những khó khăn như trên, Lai Châu vẫn có nhiều tiềm năng trở thành một vùng sản xuất nông, lâm quan trọng trong vùng. Kết quả nghiên cứu của Lê Văn Liêm và cộng sự (2012) cho thấy, Lai Châu được phân chia thành 5 tiểu vùng khí hậu nông nghiệp, tỉnh có khả năng đa dạng cây trồng, vật nuôi đó là một lợi thế so sánh trong sản xuất nông nghiệp để sản xuất các sản phẩm đặc thù mang tính hàng hóa. Hướng tới mục tiêu này, trong những năm qua, nhiều hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao KHCN đã được thực hiện với sự đầu tư của trung ương, của tỉnh, bởi nhiều đơn vị nghiên cứu cùng sự hợp tác  với nông dân và chính quyền địa phương.

Về công tác nghiên cứu, triển khai: Trong giai đoạn 2004 – 2013, có 76 nhiệm khoa học công nghệ được phê duyệt triển khai thực hiện, trong đó có 38 nhiệm vụ về lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chiếm tỷ lệ 50% (từ năm 2011 đến nay tỷ lệ này chiếm trên 60%), chủ yếu tập trung vào ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; kết quả là nhiều tiến bộ kỹ thuật mới (giống, vật tư phân bón, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, ứng dụng công nghệ sinh học …), được lựa chọn và chuyển giao cho người dân góp phần làm tăng năng xuất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và tăng thu nhập cho người dân; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước khai thác hiệu quả tiền năng đất đai, khí hậu và nguồn nhân lực của tỉnh. Tuy nhiên so với yêu cầu sản xuất về cơ bản là chưa đáp ứng được thể hiện: chưa khai thác tốt được tiềm năng lợi thế về đất đai, khí hậu của tỉnh để phát triển một nền nông nghiệp đa dạng theo hướng sản xuất hàng hóa  bền  vững; nhiều giống cây, con bản địa có tính đặc thù chưa được phục hồi và phát triển; tập quán sản xuất cũ vẫn tồn tại nhiều, năng xuất cây trồng thấp (năng suất lúa nước mới bằng 83% bình quân của cả nước và bằng 85,06% của tỉnh Sơn  La; năng suất ngô mới bằng 62,8% năng suất bình quân của cả nước và bằng 68,4% của tỉnh Sơn La – nơi có 168.740 ha ngô).

Một số kết quả nổi bật trong sản xuất nông, lâm, thủy sản sau 10 năm chia tách: Đến năm 2013, tổng sản lượng có hạt đạt 182 nghìn tấn (tăng 72,7 nghìn tấn so năm 2004), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (175 nghìn tấn); bình quân lương thực đạt 445kg/người/năm (tăng 102 kg so năm 2004). Về năng suất, trong năm 2004, năng suất bình quân lúa nước cả năm đạt 39,5 tạ/ha, năng suất ngô đạt 17,13 tạ/ha, đến năm 2012 năng suất bình quân lúa nước cả năm đạt 47,0 tạ/ha, năng suất ngô đạt 27,08 tạ/ha (bình quân mỗi năm năng suất cây lúa, ngô tăng gần 01 tạ/ha);

Đã hình thành và phát triển vùng cao su tập trung hàng hóa tại các tiểu  vùng thung lũng núi thấp dọc theo sông Đà, sông Nậm Mạ, Nậm Na và sông Nậm Mu với diện tích đến hết năm 2013 là 11.138 ha;

Tổng diện tích chè hiện có 3.272 ha, trong đó chè trồng mới giai đoạn 2004 – 2013 ước đạt trên 600 ha, chủ yếu là chè Kim Tuyên chất lượng cao, diện tích chè đạt tiêu chuẩn VietGap là 105ha; các dây  truyền chế  biến chè được đổi mới do vậy sản phẩm sản xuất ra đã được xuất khẩu sang một số nước trên thế giới, chất lượng sản phẩm ngày càng đa dạng và phong phú;

Về phát triển chăn nuôi đại gia súc, đến nay bà con nông dân đã quan tâm làm chuồng trại, trồng cỏ, dự trữ thức ăn, hạn chế chăn nuôi thả rông và tăng cường phòng chống rét, dịch bệnh cho gia súc nên đã cơ bản khắc phục được tình trạng gia súc chết rét trong mùa đông;

Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 5 doanh nghiệp nuôi cá nước lạnh với qui  mô26.280 m3, sản lượng 146,5 tấn/năm, đặc biệt Công ty cổ phần thuỷ điện Chu Va – Tam Đường đã bước đầu làm chủ được công nghệ ương giống và nuôi thương phẩm cá Tầm phù hợp với điều kiện thực tế tại tỉnh Lai Châu;

Tỷ lệ độ che phủ rừng năm 2013 đạt 43,6% (tăng 8,6% so với năm 2004, bình quân mỗi năm tăng gần 0,9%);

Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho một số sản phẩm, có tính đặc thù và có giá trị kinh tế của địa phương như: Trà Than Uyên, Miến dong Bình Lư,…;

Làm chủ được công nghệ sản xuất một số giống nấm ăn, và sử dụng men  vi sinh để ủ chua dự chữ thức ăn trong mùa đông cho đàn đại gia súc.

Cùng với việc đầu tư cho giao thông và cơ sở hạ tầng đang ngày càng được tăng cường, những khó khăn trong việc giao lưu, tiêu thụ hàng hoá nông nghiệp cũng sẽ dần được giảm thiểu. Như vậy, nếu có thể xây dựng và áp dụng các hệ thống sản xuất bền vững, thân thiện môi trường, khai thác một cách hợp lý quỹ đất, đa dạng tài nguyên khí hậu và nguồn gen sinh vật, Lai Châu sẽ phát triển được đồng bộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất cây lương thực ngắn ngày, cây ăn quả, công nghiệp và cây lâm nghiệp dài ngày.

Những thành tựu phát triển nông nghiệp Lai Châu trong thời gian qua, những kết quả nghiên cứu đáng kích lệ đã đạt được cho phép chúng ta tin tưởng vào tiềm năng và tương lai một nền nông nghiệp bền vững, thích ứng BĐKH  của Lai Châu.

2.    Định hướng nghiên cứu, triển khai tiến bộ kỹ thuật hướng tới nông nghiệp bền vững trong giai đoạn tiếp theo tại Lai Châu

Xuất phát từ những điều kiện đó, để nông nghiệp phát triển theo hướng  hiệu quả và bền vững, trong những năm tới các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong thời gian tới luôn tập trung bám sát: “Quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Lai Châu đến năm 2020” tại Quyết định số 962/QĐ-UBND ngày 21/9/2012; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” tại Quyết định số 182/QĐ- UBND ngày 22/2/2013; Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Lai Châu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 1406/QĐ-UBND ngày 30/10/2014 của UBND tỉnh …, với các nội dung sau:

a)    Về lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi

– Về cây trồng

Lựa chọn, phát triển được một số giống cây trồng mới có triển vọng để phát triển tại địa phương theo hướng hàng hóa, ưu tiên chọn cây đa mục đích;

Lựa chọn các giống cây ngắn ngày có giá trị kinh tế, nhằm khai thác hiệu quả vùng đất bán ngập quanh hồ thủy điện Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Huổi Quảng … (cây ngắn ngày lúa, ngô, đậu lạc, rau ….);

Phục tráng và phát triển các giống lúa bản địa có chất lượng tốt để sản xuất hàng hóa như: Tẻ Râu, Séng Cù, Khẩu Ký, Nếp Tan Co Ràng, Khẩu Lương Phửng, Tà Cù …..

Về cây dược liệu,  rau, hoa, cây ăn quả ôn đới và cây có múi:

Lựa chọn, phục hồi phát triển 1 số cây dược liệu (tam thất, cỏ nhung, sâm bản địa, cây thuốc tắm …, cây di thực khác) cho vùng cao Sìn Hồ, Dào San – Phong Thổ, Mường Tè, Tam Đường theo hướng sản xuất hàng hóa;

Lựa chọn phát triển một số giống cây rau, hoa và cây ăn quả ôn đới, cây có múi tại các vùng có điều kiện theo hướng tập trung hàng hóa.

– Về vật nuôi:

Tổ chức nghiên cứu, chọn lọc, bình tuyển, phục tráng, hoàn thiện  và chuyển giao công nghệ, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa một số giống vật nuôi đặc sản địa phương, có giá trị kinh tế cao như: gà Mông, lợn đen, lợn hung, bò Mông, trâu Ngố …

Lựa chọn và chuyển giao các giống cỏ mới phù hợp, kèm theo biện pháp  kỹ thuật chế biến và dự trữ thức ăn, nhằm thúc  đấy chuyển đổi phương thức chăn nuôi từ tự phát nhỏ lẻ, thả rông sang chăn nuôi có kiểm soát, theo quy mô nhỏ và vừa hướng trang trại, khuyến khích hình thành các khu chăn nuôi tập trung, đảm bảo vệ sinh môi trường và quản lý được dịch bệnh.

Tiếp tục nghiên cứu làm chủ công nghệ nuôi ương và cho cá Tầm đẻ trứng tại Lai Châu, và sản xuất một số giống cá (rô phi, chép, trắm …) thả bổ sung hàng năm vào các hồ thủy điện; ứng dụng công nghệ nuôi cá lồng để nuôi cá Tầm, Chiên, Lăng, Nheo … thương phẩm trên hồ thủy điện.

b)    Về kỹ thuật canh tác

Tập trung nghiên cứu xây dựng các kỹ thuật canh tác, hệ thống cây trồng bền vững thân thiện với môi trường và khôi phục hiệu quả tài nguyên đất dốc đã và đang bị xói mòn rửa trôi;

Xây dựng và mở rộng ứng dụng các hệ thống sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm các hệ thống luân canh, xen canh cây lương thực thực phẩm, hệ thống nông – lâm kết hợp, hệ thống kết hợp chăn nuôi và trồng trọt …, nhằm tăng nguồn thu bằng tiền mặt bảo đảm an ninh lương thực, giảm sức ép khai thác đất dốc và chặt phá rừng để sản xuất lương thực thực phẩm; mở rộng diện tích lúa đông xuân cho những vùng đất có điều kiện tưới nước, nằm ở độ cao trên 750 m so với mực nước biển;

Nghiên cứu phát hiện kịp thời sâu bệnh hại và biện pháp phòng từ kịp thời, giảm thiểu tối đa việc bùng phát dịch hại, mở rộng việc ứng dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM);

Tăng cường nghiên cứu về đất và phân bón, nhằm khuyến cáo được các chế độ phân bón hợp lý cho các loại cây trồng ở các loại đất khác nhau, nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả kinh tế cho các nông hộ;

Nghiên cứu phát triển sản xuất theo hướng VietGap một số mặt hàng nông sản tiềm năng như chè, một số rau, quả …

c)    Về bảo quản, chế biến sau thu hoạch

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật làm hạn chế tỷ lệ nông sản bị hao hụt sau thu hoạch, gia tăng giá trị hàng hóa sau chế biến, đồng thời nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích cho người dân:

Nâng cao trình độ công nghệ các cơ sở chế biến nông, lâm sản, đặc biệt là chè, gạo chất lượng cao, dược liệu … để tạo ra các sản phẩm có chất lượng và thương hiệu. Cải tiến và đổi mới công nghệ cho các nhà máy chế biến chè trên địa bàn tỉnh, lựa chọn công nghệ chế biến mủ cao su phù hợp.

Hỗ trợ đổi mới công nghệ theo Quyết định số 10/QĐ-UBND ngày 03/4/2012 của UBND tỉnh về hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao công nghệ trên  địa bàn tỉnh Lai Châu.

d)    Về xây dựng nhãn hiệu hàng hóa

Với mục tiêu là Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa để tạo  lên thương hiệu, cho một số mặt hàng chủ lực của tỉnh nhằm quảng bá sản ra thị trường, tăng giá trị sản phẩm nông sản.

Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu cho một số sản phẩm thế mạnh như: Chè Tam Đường, cao su, cá nước lạnh, dược liệu, gạo chất lượng cao, rau, hoa …

d)    Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất

Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để sản xuất một số giống cây trồng quí đặc hữu, cây dược liệu và sử dụng men vi sinh để sử dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp các loại góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông nghiệp.

Phát huy tốt dây truyền sản xuất các giống nấm ăn hiện có, nghiên cứu sản xuất thêm một số giống nấm làm dược liệu như: linh chi, đầu khỉ, phục chi…, và chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cho bà con nông dân trong tỉnh có nhu cầu.

Chuyển giao kỹ thuật sử dụng men vi sinh để ủ chua thức ăn dự trữ trong mùa đông và sản xuất phân vi sinh tại ruộng cho nông dân; ứng dụng công nghệ sản xuất than Biomax từ trấu, lõi ngô .. để sản xuất chất đốt tại địa phương.

e)    Công tác cảnh báo thiên tai bão lũ, sạt lở đất

Nhằm cảnh báo sớm các nguy cơ mưa, bão lũ và tai biến địa chất có thể  xảy ra phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai.

Đặt hàng nhóm đề tài ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng lực dự báo mưa, lũ, cảnh báo lũ quyét, sạt lở đất phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

f)   Chuyển giao mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Áp dụng thí điểm mô hình công nghệ cao trong sản suất rau, hoa cao cấp phục vụ thị trường khó tính tại thành phố Lai Châu và thị trấn huyện Sìn Hồ.

g)    Bảo vệ phát triển tài nguyên rừng và cây lâm sản ngoài gỗ

Nghiên cứu giải pháp quản lý sử dụng hiệu quả vốn rừng hiện có, thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, nâng cao chất lượng rừng, từng bước hình thành ngành kinh tế rừng, nghề rừng.

Đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp duy trì và phát huy chức năng của hệ sinh thái rừng phòng hộ đầu nguồn của tỉnh. Nghiên cứu hiện trạng và đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế lâm nghiệp vùng lòng hồ thuỷ điện tại Lai Châu. Nghiên cứu hiện trạng và giải pháp phát triển vùng nguyên liệu gỗ gắn  với chế biến tại Lai Châu, và xây dựng mô hình sản xuất giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.

h)    Nghiên cứu phong tục, tập quán của bà con dân tộc ít người

Đẩy mạnh nghiên cứu về điều kiện kinh tế – xã hội, phong tục tập quán của bà con dân tộc ít người, kiến thức bản địa … để tìm ra những điểm tích cực, nhằm vận dụng phát triển các kỹ thuật có tính ứng dụng cao, dễ áp dụng và mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường cho cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Nguyễn Trường An

Phó giám đốc Khoa học và Công nghệ

Phòng khám đông y Vũ Gia Đường
Địa chỉ:  Số 5A- ngõ 122- Kim Giang- Đại Kim- Hoàng Mai- Hà Nội
BS Linh: 0906.799.222 hoặc 0936.244.940

Chi tiết xin liên hệ để có những hiểu biết tốt nhất về cây thuốc chữa bệnh:

DAT-HANG-TRUC-TUYEN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *