CÁT CÁNH
– Bộ phận dùng: rễ phơi khô của cây cát cánh; thuộc họ hoa chuông.
– Tính vị quy kinh: bình, đắng, cay; quy kinh phế.
– Tác dụng: tuyên phế khứ đàm, lợi yết bài nùng.
– Chỉ định:
+ Điều trị ho do phong hàn thì thường phối hợp với tử tô, hạnh nhân (như
bài Hạnh tô tán); nếu như phong nhiệt dùng cùng tang diệp, cúc hoa, hạnh nhân
(như bài Tang cúc ẩm). Nếu trong ngực cảm thấy tức đẩy, đàm trở khí trệ. mất khả
năng thăng giáng thì thường dùng cùng với chỉ thực để thăng giáng khí cơ, lý khí
khoan hung,
+ Điều trị sưng đau họng, mất tiếng thì thường dùng cùng với cam thảo,
ngưu bàng tử (như bài Cát cánh thang hoặc bài Gia vị cam cát thang); nếu sưng
họng kèm theo sốt cao thì thường dùng cùng với xạ can, bản lam căn.
+ Điều trị viêm phổi gây ho nhiều, đờm đặc thì thường dùng cùng với cam
thảo (như bài Cát cánh thang); trên lâm sàng hay phối hợp với ngư tinh thảo, đông
qua nhân để tăng cường khả năng thanh phế bài nùng. Ngoài ra, cát cánh còn có tác
dụng tuyên thông phế khí để thông nhị tiện.
– Liều dùng: 3 – 10g/ngày.
– Chú ý: không nên dùng trong khí cơ thượng nghịch gây buồn nôn, chóng mặt,
âm hư hoả vương. Khi dùng liều cao có thể gây nôn.
– Tác dụng dược lý: tăng tiết dịch khí quản, làm lỏng đờm để tăng cường bài
tiết ra ngoài; kháng viêm; ức chế tiết dịch dạ dày và chống loét; giảm co thắt, giảm
đau, chấn tĩnh, giảm đường máu…