CHƯƠNG 7: THUỐC CỐ SÁP VỊ THUỐC ĐÔNG Y PHẦN 1

CHƯƠNG 7: THUỐC CỐ SÁP VỊ THUỐC ĐÔNG Y PHẦN 1:
A.    ĐẠI CƯƠNG
I.    ĐỊNH NGHĨA
Thuốc cố sáp thường có vị chát, chua.
II.    PHÂN LOẠI: căn cứ vào tác dụng của thuốc cố sáp, có thể chia thành các loại sau:
–    Thuốc cầm mồ hôi (thuốc liễm hãn)
–    Thuốc cầm di tinh, dị niệu (thuốc cố tinh sáp niệu)
–    Thuốc cầm ỉa chảy (thuốc sáp trường chỉ tả)
Ngoài ra còn có thuốc cầm máu (thuốc chỉ huyết) sẽ đươc trình bày ở một chương riêng.
III.    NHỮNG CHÚ Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC CỐ SÁP
–    Thuốc cố sáp là thuốc điều trị triệu chứng (trị tiêu), khi dung phải phối hợp với các thuốc điều trị nguyên nhân (trị bản):
–    Ra mồ hôi nhiều (tự hãn) do vệ khí hư phải dùng thuốc bổ khí; mồ hôi trộm (đạo hãn) do âm hư phải phối hợp với thuốc bổ âm.
–    Di tinh, di niệu do thận hư phải phối hợp với thuốc bổ thận.
–    ỉa chảy kéo dài do tỳ hư cần thêm thuốc kiện tỳ.
–    thuốc cố sáp là thuốc chữa các bệnh thuộc hư chứng, vì vậy không nên dùng quá sớm khi ngoại tà chưa giải hết, vì do tính chất thu liễm, tà độc có thể bị giữ lại trong cơ thể.
IV.    CẤM KỴ
–    Không dùng thuốc cầm mồ hôi khi mồ hôi ra nhiều do chứng nhiệt
–    Không dùng thuốc cầm ỉa chảy khi ỉa chảy do thấp nhiệt
–    Không dùng thuốc cố sáp niệu khi đái dắt, đái buốt, đái ra máu do thấp nhiệt
B.    VỊ THUỐC
I.    THUỐC CẦM MỒ HÔI (THUỐC LIỄM HÃN)
Dùng trong các trường hợp bệnh có liên quan đến việc khai mở tấu lý; đó là các trường hợp đạo hãn (mồ hôi trộn), tự hãn (mồ hôi chảy ròng ròng).
Nguyên nhân do dương hư không bảo vệ bên ngoài, âm hư không giữ bên trong; vì vậy khi dùng thuốc cầm mồ hôi có thể phối hợp với thuốc bổ dương, bổ khí và bổ âm.
Chú ý nếu ra mồ hôi nhiều quá, không ngừng kèm theo triệu chứng chân tay lạnh, hơi thở gấp, mạch vi muốn tuyệt (chứng vong dương) thì phải dùng thuốc hồi dương cứu nghịch, bổ khí cứu thoát như phụ tử, quế nhục, nhân sâm…
1.    NGŨ VỊ TỬ
THUỐC CỐ SÁP VỊ NGŨ VỊ TỬ THUỐC CỐ SÁP VỊ NGŨ VỊ TỬ TƯƠI
Dùng quả chín phơi khô hoặc sấy khô của cây ngũ vị tử.
Tính vị: 5 vị trong đó vị chua là chính; tính ấm.
Quy kinh: vào phế, tâm, thận.
Công năng: cố biểu liễm hãn, ích khí, sinh tân, bổ thận, an thần.
Chủ trị:
–    Cố biểu liễm hãn: chữa chứng ra nhiều mồ hôi, mồ hôi trộm (có thể phối hợp với kỷ tử, đẳng sâm, cẩu tích).
–    Liểm phế chỉ ho: chữa ho do phế hư, hen suyễn do thận hư không nạp phế khí.
–    Ích thận cố tinh: dùng khi thận hư gây di tinh, hoạt tinh, đái đục, tiểu nhiều.
–    Cầm ỉa chảy do thận dương hư không ôn vận tỳ dương gây ra ỉa chảy, chân tay lạnh lung gối mỏi, mạch nhược, phân lỏng, ỉa chảy lúc sang sớm.
–    Sinh tân chỉ khát: dùng khi tân dịch hư hao, miệng khô khát, nứt nẻ (phương sinh mạch tán: đẳng sâm, mạch môn 12g, ngũ vị tử 6g).
Liều dùng: 1.5 – 6g/ngày, dạng thuốc sắc, thuốc bột.
Kiêng kỵ: đang có sốt cao, đang lên sởi, hoặc sốt phát ban không được dùng.
Chú ý:
–    Dùng với bệnh nhân do phế hư thì dùng sống, khi dùng để bổ thì tẩm với mật ong rồi chưng chin mới nên dùng.
–    Ngũ vị tử có tác dụng hưng phấn trung khu thần kinh, trung khu hô hấp, có thể súc tiến quá trình chuyển hóa trong cơ thể, nâng cao thị giác, thính giác và tang tính mẫn cảm của cơ qua thụ cảm. ngoài ra, có tác dụng hưng phấn với tử cung.
II.    THUỐC CẦM DI TINH DI NIỆU (THUỐC CỐ TINH SÁP NIỆU)
Thuốc cố tinh sáp niệu có tác dụng củng cố tinh dịch dùng trong những trường hợp di tinh, hoạt tinh, tiết tinh sớm, liệt dương hoặc chức năng sinh dục yếu kém, do thận hư không tang tinh.
Thuốc cố tinh sáp niệu dùng trong các trường hợp tiểu tiện không cầm, đi đái nhiều lần, lượng nhiều, đái dầm, do thận hư không kiềm chế được bàng quang.
Thuốc cố tinh sáp niệu dùng cho phụ nữ bị khí hư, bạch đới do mạch xung, nhâm yếu (can thận).
Vì vậy khi dùng thuốc cố tinh sáp niệu phải phối hợp với thuốc bổ thận.
1.    KIM ANH TỬ
  KIM ANH TỬ

KIM ANH TỬ
Dùng quả chin phơi sây khô của cây kim anh.
Tính vị: vị chua, chát; tính bình.
Quy kinh: ty, phế, thận
Công năng: cố tinh, sáp niệu, cầm ỉa chảy.
Chủ trị:
–    Chữa di tinh, hoạt tinh, khí hư bạch đới do thận hư (có thể phối hợp kim anh tử với ngũ vị tử sắc uống hoặc kim anh tử với khiếm thực – bài thủy lục nhị tiên đơn).
–    Chữa tiểu tiện nhiều, đái xón, đái dàm do thận hư; đặc biệt với trẻ em.
–    Cầm ỉa chảy do tỳ hư hoặc lỵ lâu ngày không khỏi.
Liều dùng: 6-12 g/ngày, dạng thuôc sắc, thuốc hoàn tán.
Kiêng kỵ: những người thấp nhiệt, tiểu tiện bí không nên dùng
Chú ý: khi dùng thì ngâm mềm, bổ đôi loại bỏ hết hạt ở bên trong, phơi khô hoặc sấy.
2.    TANG PHIÊU TIÊU
 TANG PHIÊU TIÊU
Dùng tổ bọ ngựa trên cây dâu.
Tính vị: vị ngọt, mặn; tính bình.
Quy kinh: vào can, thận.
Công năng: cố tinh, sáp niệu.
Chủ trị:
–    Ích thận, cố tinh: dùng cho bệnh nhân thận hư, di tinh, hoạt tinh, tinh tiết sớm, liệt dương ( có thể dùng 10 tổ, sao cháy xém cạnh, nghiền thành bột, trộn với đường hoặc mẫu lệ bằng lượng, uống mỗi ngày một lần trước khi đi ngủ, uống liền 3 ngày).
–    Chữa đái dầm, đái xón (có thể dùng tang phiêu tiêu phối hợp với ích trí nhân, kim anh, cũng có thể dùng một tổ bọ ngựa nướng vàng, tán nhỏ, uống với rượu, vào lúc đói, uống 2-3 lần trong ngày).
–    Chữa ra mồ hôi trộm (có thể phối hợp với long cốt, mẫu lệ).
–    Chữa khí hư bạch đới do thận hư.
–    Chữa đái đục.
Liều dùng: 6-12 g/ngày, sao vàng.
Kiêng kỵ: những người âm hư hỏa vượng, thấp nhiệt bàng quang, tiểu tiện ngắn đỏ không nên dùng.
Chú ý: khi dùng có thể hơ vàng trên củi cây liễu; với lượng lớn cần đem chưng khoảng 1h để diệt trứng, tiện cho bảo quản.
3.    KHIẾM THỰC
 KHIẾM THỰC
Dùng hạt của quả chín đã phơi hay sấy khô của cây khiếm thực.
Tính vị: vị ngọt, chát; tính bình.
Quy kinh: vào kinh tỳ, thận.
Công năng: ích thận, cố tinh, bổ tỳ, trừ thấp, ngừng tiêu chảy, ngừng đới hạ.
Chủ trị:
–    Dùng trong trường hợp thận hư dẫn đến di tinh, hoạt tinh, mộng tinh, tiểu tiện không cầm lại được, bạch đới (có thể dùng bài thủy lục nhị tiện đơn).
–    Kiện tỳ cầm ỉa chảy; đặc biệt với trẻ em tỳ hư, tiêu hóa không tốt, ỉa chảy không ngừng (có thể dùng khiếm thực, hoài sơn, phục linh, ý dĩ mỗi thứ 12g, bạch truật 8g, trạch tả, thần khúc mỗi thứ 8g, cam thảo 4g)
Liều dùng: 12-20 g/ngày.
Kiêng kỵ: những người đại tiện táo bón, tiểu tiện bí không nên dùng.
Chú ý: ở nước ta còn củ sung để thay cho vị khiếm thực gọi là khiếm thực nam. Củ sung có vị đắng, chát, tính mát; cũng có tác dụng bổ tỳ, ích thận, cố tinh; cũng dùng để chữ di tinh, mộng tinh ( có thể dùng 1kg bột khiếm thực, 2kg kim anh tử nấu thành cao, làm thành hoàn; mỗi lần uống 12g, 2 lần/ngày).
4.    LIÊN NHỤC
  LIÊN NHỤC
Dùng hat sen bỏ vỏ, tâm, còn màng mỏng của quả già đã phơi sấy khô của cây sen.
Tính vị: vị ngọt, chát; tính bình.
Quy kinh: vào kinh tâm, tỳ, thận.
Công năng: bổ tỳ,bổ thận, sáp tinh, dưỡng tâm an thần.
Chủ trị:
–    Kiện tỳ, chỉ tả: dùng đối với bệnh tỳ hư dẫn đến tiết tả, lỵ lâu ngày không khỏi.
–    Ích thận cố tinh: chữa di tinh, khí hư bạch đới, đái đục do thận hư.
–    Chữa hồi hộp do mất ngủ, hoa mắt chóng mặt, hồi hộp tim đập mạnh, kém ăn, cơ thể suy nhược.
Liều dùng: 12-20 g/ngày.
Kiêng kỵ: thực nhiệt, táo bón không nên dùng.
Chú ý:
–    Liên tu (nhị phơi khô của hoa sen): vị ngọt, chát; tính ấm, vào tâm, thận có tác dụng thanh tâm, chữa nôn mửa, dị tinh, khí hư bạch đới, đái buốt, đái dắt. liều dùng 4-12g/ngày.
–    Liên phòng (gương sen):vị đắng, chát, tính ấm, có tác dụng tả tâm hỏa, trừ phiền táo, dùng trong bệnh tâm hỏa, phiền táo, mất ngủ. Còn dùng để chữa kinh nguyệt quá nhiều, đái ra máu, đại tiện ra máu. Liều dùng 6-12 g/ngày.
5.    SƠN THÙ DU
  SƠN THÙ DU SƠN THÙ DU
Dùng qủa chin đã phơi sấy khô,bỏ hạt của cây sơn thù du.
Tính vị: vị chua, chát; tính ấm.
Quy kinh: vào kinh can, thận.    
Công năng: bổ can thận, cố tinh, sáp niệu.
Chủ trị:
–    Chữa di tinh, liệt dương, tai ù, tai điếc, tiểu tiện nhiều, đau lung, mỏi gối cho thận hư.
–    Cố biểu, liễm hãn: dùng sau khi mới ôm dậy biểu hư ra nhiều mồ hôi.
–    Cố tinh chỉ huyết: dùng cho phụ nữ thể hư, tiểu cầu giảm, kinh nguyệt nhiều, rong kinh, bang huyết.
–    Chữa ù tai, chóng mặt do can hư.
Liều dùng: 6-12 g/ngày.
Kiêng kỵ: những trường hợp thấp nhiệt, tiểu tiện không lợi không nên dùng.
III.    THUỐC CẦM ỈA CHẢY
Loại thuốc này dùng trong các trường hợp tỳ vị hư nhược, công năng tiêu hóa, hấp thu giảm sút hoặc bị ngộ độc thức ăn… dẫn đến tiêu chảy. Do ỉa chảy lâu ngày, tỳ dương hạ hãm, tay chân mệt mỏi, thở ngắn, ngại nói, sa trực tràng. Thuốc cầm ỉa chảy phải phối hợp với thuốc kiện tỳ để điều trị.
1.    Ô MAI
 Ô MAI
Là sản phẩm chế từ quả mơ của cây mơ. Ô mai là quả phơi khô gác bếp có màu đen, không phải quả mơ đã chế muối.
Tính vị: vị chua chát, tính ấm.
Quy kinh: vào kinh can, tỳ, phế.
Công năng: sáp trường chỉ tả, chỉ ho, tân sinh, giảm đau.
Chủ trị:
–    Cầm ỉa chảy do tỳ hư, hoặc do lỵ lâu ngày (thịt quả ô mai và hoa hòe, lượng bằng nhau, sao qua cho giòn, tán nhỏ, uống với nước cơm).
–    Chữa ho lâu ngày không giảm,viêm họng, đau họng (ô mai tẩm nước gừng, tẩm cam thảo).
–    Sinh tân chỉ khát do hư nhiệt, tân dịch giảm, cơ thể háo khát (ô mai, cát căn, mạch môn, cam thảo, hoàng kỳ)
–    Chữa đau bụng do giun đũa, hoặc nôn ra giun, giun chui ống mật (dùng ô mai 12g sắc uống; hoặc ô mai, binh lang, sử quan tử; hoặc dùng bài ô mai hoàn: ô mai12g, hoàng liên, hoàng bá, can khương mỗi thứ 6g, xuyên tiêu 6g, quế chi 6g, phụ tử 12g, quế chi 8g, tế tân 4g, đương quy, đẳng sâm 12g, dùng mật ong làm hoàn; mỗi ngày uống 8g).
Liều dùng: 6-12 g/ngày.
Kiêng kỵ: bệnh cần phát tán không nên dùng.
6.    NGŨ BỘI TỬ
  NGŨ BỘI TỬ NGŨ BỘI TỬ KHÔ
Là tổ đã phơi hay sấy khô của ấu trùng ngũ bội tử.
Tính vị: vị chua, chát, mặn; tính bình.
Quy kinh: vào kinh phế, thận, đại trường.
Công năng: sáp trường chỉ tả, liễm hãn, chỉ huyết, liễm sang, giải độc.
Chủ trị:
–    Cầm ỉa chảy: ỉa chảy lâu ngày, lỵ lâu ngày.
–    Cầm mồ hôi, chữa mồ hôi trộm (uống hoặc trộn thành dạng bột đắp vùng rốn).
–    Cầm máu: đấp ngoài cầm máu vết thương, nôn ra máu, trĩ ra máu.
–    Chữa hôi nách: bột ngũ bội tử và bột phèn phi cùng lượng, trộn đếu sát vào nách.
–    Chưa ho, chữa hôi miệng, chảy máu chân răng (sắc lấy nước ngậm )
–    Dùng ngoài, nước sắc dùng để rửa các vết lở loét, mụn nhọt, trĩ, sa dạ con; súc miệng chữa viêm niêm mạc miệng, viêm lợi răng.
Liều dùng: 3-6 g/ngày. Dùng ngoài lượng thích hợp.
Chú ý: lượng tannin trong dược liệu => 50% (theo Dược điển VNIII).
7.    KHA TỬ
  KHA TỬ
Dùng quả chin phơi hay sấy khô của cây kha tử.
Tính vị: vị đắng, chua, sáp; tính bình.
Quy kinh: vào kinh phế, đại trường.
Công năng: sáp trường chỉ tả, liễm phế, thông lợi yết hầu.
Chủ trị:
–    Chữa tiêu chảy lâu ngày, lỵ lâu ngày, đại tiện ra máu, sa trực tràng.
–    Phế hư ho, suyễn, ho lâu ngày không ngừng, yết hầu đau,tiếng khan.
Liều dùng: 3-6 g/ngày.

Phòng khám đông y Vũ Gia Đường
Địa chỉ:  Số 5A- ngõ 122- Kim Giang- Đại Kim- Hoàng Mai- Hà Nội
BS Linh: 0906.799.222 hoặc 0936.244.940

Chi tiết xin liên hệ để có những hiểu biết tốt nhất về cây thuốc chữa bệnh:

DAT-HANG-TRUC-TUYEN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *