VAI TRÒ CỦA TESTOSTERON
ĐỐI VỚI CHỨC NĂNG SINH DỤC NAM
- Chức năng cương dương
- Cương dương là một quá trình sinh lý thần kinh – mạch máu rất phức tạp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, do đó để đảm bảo cương dương bình thường, trước hết cần có sự bình thường về hình thái, cấu trúc của dương vật và chức năng của hệ thần kinh.
- Về chức năng hệ thần kinh: testosteron duy trì cấu trúc và chức năng bình thường của rất nhiều tế bào thần kinh vùng chậu hông, là yếu tố chủ đạo cần cho sự chín và duy trì mật độ sợi trục, cũng như sự bộc lộ các peptid thần kinh của sợi dẫn truyền, nếu testosteron đầy đủ thì duy trì sinh lý bình thường, nếu suy giảm có thể gây rối loạn cương dương.
- Về cấu trúc mô dương vật: cấu trúc mô dương vật có vai trò rất quan trọng liên quan đến tắc tĩnh mạch của dương vật gây rối loạn cương dương.
- Testosteron có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì cấu trúc bình thường của mô dương vật, đặc biệt là số lượng và cấu trúc cơ trơn thể hang có vai trò quyết định cương dương, cũng như số lượng mỡ và cấu trúc vỏ màng trắng của cơ trơn thể hang.
- Ngoài ra nếu thiếu hụt testosteron có thể gây tổn thương tế bào nội mô mạch làm co mạch, làm giảm NO dẫn đến giảm cương dương.
- Chức năng kích thích sản sinh tinh trùng
- Quá trình sinh sản được điều hòa thông qua cơ chế nội tiết dưới sự điều khiển của hệ thống vùng dưới đồi – tuyến yên – tinh hoàn.
- Các hormon tham gia điều tiết quá trình sinh tinh là FSH, LH, testosteron, ngoài ra còn có sự tham gia của aromatase, estrogen receptor (ER) trong tinh hoàn, tế bào Leydig, tế bào Sertoli, tế bào mầm và tế bào mào tinh.
- Kích thích sản sinh tinh trùng: Testosteron cần thiết để duy trì quá trình sản sinh tinh trùng. Việc ức chế sản xuất hormon hướng sinh dục sẽ dẫn tới nồng độ testosteron giảm xuống và làm giảm sự sinh tinh và xuất tinh ở người dẫn đến vô sinh.
- Đối với hành vi sinh dục
- Hành vi tình dục của hầu hết các loại động vật đực có xương sống đều phụ thuộc vào testosteron, một hormon được bài tiết từ tế bào leydig của tinh hoàn và được chuyển hóa bởi tại tế bào đích thành estrogen (E2) nhờ enzym aromatase hoặc dihydrotestosteron (DHT) nhờ enzzym 5α-reductase.
- Sau khi thiến vài ngày, khả năng giao cấu của chuột giảm dần và duy trì trong vài tuần. Bổ sung testosteron trong từ 5 đến 10 ngày là cần thiết phục hồi khả năng giao cấu của chuột.
- Nhiều nghiên cứu trên nam giới cho thấy việc dừng bổ sung testosteron ngoại sinh cho những người bị suy sinh dục đều gây ra sự giảm nhanh, giảm rõ hứng thú và hoạt động tình dục, mà những điều này được phục hồi trở lại sau vài tuần dùng liệu pháp hormon thay thế.
- Như vậy, androgen đóng vai trò trong việc hoạt hóa, thực hiện hành vi và cần thiết để duy trì các phản xạ sinh dục ngoài giao cấu.